“Bộ Công Thương xem xét đình chỉ thi hành Thông tư 37, bổ sung ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp (DN), nghiên cứu cách thức làm theo đúng yêu cầu Nghị quyết 19”.
>> Doanh nghiệp rên xiết vì “thuế đen” và “phí bôi trơn” tăng
>> Doanh nghiệp Mỹ sẽ vận động Quốc hội Mỹ sớm phê chuẩn TPP
>> Doanh nghiệp tố ngành thuế “bắn nhầm hơn bỏ sót”, UBND tỉnh “lộng quyền”
Đó là kiến nghị của T.S Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương tại Hội nghị đánh giá thực hiện Thông tư 37/2015/TT-BCT về kiểm tra chuyên ngành đối với sản phẩm dệt may hôm nay (26/5).
Trước đó, tháng 10/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 37 thay thế Thông tư 32 năm 2009 về quản lý, kiểm tra hàm lượng chất formaldehyt và amin thơm có trong sản phẩm dệt may – chất có khả năng gây hại đến sức khỏe con người nếu vượt mức quy định.
Theo đánh giá của ông Cung, về cơ bản một số điểm của Thông tư 37 đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn phiền hà, gây phức tạp và khiến DN phải gánh chịu chi phí cao. Bên cạnh đó, ông Cung nhấn mạnh, nhiều điều khoản của Thông tư trên không tiếp thu với tinh thần cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực hải quan, gây khó cho DN.
DN ngành dệt may và các chuyên gia khá bức xúc trước quy định mới trong Thông tư 37 về kiểm tra chuyên ngành bởi cho rằng điều này đang gây khó khăn và phát sinh chi phí cho DN
Ông Cung phân tích: Về cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra Formaldehyt có Vụ Khoa học Công Nghệ Bộ Công Thương, có Cục Quản lý Thị trường, các Sở Công Thương, Hải Quan… quá chồng chéo và nhiều đơn vị để quản lý một vấn đề chuyên ngành. Đặc biệt, Thông tư 37 không đáp ứng được các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ về thời gian cho DN và đặc biệt các yêu cầu của Nghị quyết 19 về sửa đổi Thông tư 32.
“Hình như khi soạn thảo, các cơ quan soạn thảo và ban hành đã không căn cứ và kế thừa những chỉ thị sửa đổi Thông tư 32 mà Nghị quyết 19 đã đưa ra”, ông Cung nói.
Trong tham luận của mình, ông Cung chỉ rõ: “Về bản chất, Thông tư 37 không rõ ràng, thiếu minh bạch, nguy cơ tùy ý là cao. Thông tư viện đủ các cơ quan Nhà nước trong kiểm tra nhưng không cho biết ai là người chịu trách nhiệm và giải trình trách nhiệm. Cũng không có hội đồng kiểm định để giám sát việc thực hiện. Quy định trên có thể dẫn đến buông lỏng quản lý vì đây là hoạt động dịch vụ, thậm chí nguy cơ lợi dụng quản lý Nhà nước để trục lợi”.
Theo đại diện Công ty May Nhà Bè, Thông tư 32 ra đời năm 2009, tất cả các nguyên liệu vải khi nhập vào làm hàng mẫu thì dưới 25 m không phải kiểm tra, thế nhưng từ khi có Thông tư 37 không có câu nào ghi hàng mẫu dưới 25 m thì không phải phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt.
Bên cạnh đó, Công ty dệt may Mai Sơn cho rằng, theo Thông tư 37, hàng nguyên liệu dệt may khi nhập về vẫn phải lưu ở cảng 3 – 5 ngày đợi kết quả kiểm tra và chịu phí lưu kho. Nếu muốn nhanh, DN phải bỏ thêm chi phí ít nhất 700.000 đồng cho một đơn hàng.
“Khách hàng gửi một mẫu áo đến một số mét vải cũng yêu cầu kiểm tra. Mẫu đâu có mục đích thương mại, sao phải kiểm tra và cũng không ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Có nhất thiết phải mất mấy ngày giờ để làm thủ tục lưu mẫu tại cảng với bao chi phí DN phải gánh không?”, đại diện Công ty May Nhà Bè nêu ví dụ.
Dẫn ví dụ cụ thể, công ty này cho rằng: “Các lô hàng dệt may nhập khẩu về làm mẫu chỉ có 5 đến 10 mét, giá trị thực sự rất nhỏ chỉ 5 – 10 USD/shipment (chuyến hàng), chuyển qua vận tải khẩn cấp để làm mẫu. Nhưng Thông tư 37 lại yêu cầu vẫn phải bắt buộc làm mẫu kiểm định formaldehyt tốn thêm 100 USD và mất thời gian của DN.
Giải đáp vấn đề này, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cho rằng: “DN cần phải nắm rõ nội dung quy định Thông tư hơn. Thông tư 37 không hề quy định lấy mẫu nhưng phải kiểm tra hồ sơ và cũng không hề giữ lại mẫu. Tuy nhiên, trong thời hạn 1 năm, cơ quan kiểm tra phải kiểm tra xác suất các mẫu hàng với mục đích bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đây là quy định”.
“Riêng đối với hàng mẫu, chúng ta nói đến lô hàng mẫu có vài chiếc nhưng thực tế có DN có hàng ngàn chiếc, nhiều DN “cò quay” nhập hàng ngàn sản phẩm và nói đó là hàng mẫu. Nếu bỏ ngay lập tức thì sẽ có DN nhập hàng ngàn sản phẩm và nói đó là hàng mẫu. DN gian lận thế mà “thả rông” thì xử lý thế nào?”, ông Cường nêu thực tế.
Nhiều DN cho hay, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt nên thực hiện xác suất để hạn chế tối đa chi phí cho DN. Tuy nhiên, kiến nghị này từ khi Thông tư 37 được soạn thảo cho đến nay chưa hề được tiếp thu.
Theo đại diện Hiệp hội Dệt May (VITAS), có DN nhập nguyên liệu từ năm 2009 đến nay có hàng chục ngàn lô hàng, từ đó đến nay không hề có lô nào có hàm lượng formaldehyt quá ngưỡng cho phép vậy sao kiểm tra hàng chục cuộc mỗi năm. Có nhất thiết phải kiểm tra chuyên ngành khi DN nào cũng phải đáp ứng để được làm điều kiện sản xuất hay không, mỗi năm DN gửi biết bao nhiêu mẫu, sao nhiều thế?
“Để đáp ứng yêu cầu kiểm tra có đúng hàm lượng formandehyt cho phép không sẽ phải mất tối thiểu 3 ngày và hàng ngàn giấy phép, mẫu thử. Nếu kiểm tra trong 3 ngày mới có kết quả thì DN phải chịu chi phí lưu bãi lớn và khi có kết quả mới thông quan mới được mang hàng về. Tại sao không thể áp dụng hình thức kiểm tra xác suất như Hải quan làm. Trong cùng một nhà sản xuất, đã kiểm tra hàm lượng này 10 lần trở lên trong đơn hàng thì sao không áp dụng điều kiện ưu tiên miễn kiểm cho họ. Các DN ký hợp đồng với nhà cung cấp đều có chứng nhận kiểm tra chuyên ngành từ Hải quan, nếu trường hợp nào quá lượng cho phép, lập tức gửi lại nhà cung cấp”, đại diện VITAS cho biết.
Đại diện Hiệp hội này khẳng định, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã và đang gây mất nhiều thời gian và chi phí cho DN, làm gián đoạn sản xuất, phá vỡ thời gian giao hàng, khiến DN có thể bị phạt, bị cắt đơn hàng, hoặc làm đội giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của DN.
Chính vì vậy, đề nghị Bộ Công Thương cần rà soát, sửa đổi Thông tư 37/2015/TT-BCT vì có nhiều nội dung quy định không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, mà người chịu thiệt (tốn thời gian, chi phí) chính là DN.
Nguyễn Tuyền - Báo Dân Trí